Konica Minolta lên tiếng sau vụ lùm xùm nâng khống giá bán


(CLO) Sau loạt bài phản ánh những dấu hiệu nâng khống giá bán máy in Konica Minolta tại Việt Nam trên báo Điện tử Congluan.vn, mới đây văn phòng luật LNT và Thành viên đã liên lạc với phóng viên cho biết có cuộc họp báo để thông tin về vụ Konica đồng thời mời phóng viên đến để chia sẻ, trao đổi về vụ việc trên.

Konica Minolta lên tiếng (1)
Chiếc máy in C1100 hiệu Konica Minolta đang dính nghi án nâng khống giá bán tại Việt Nam?

Luật sư không cho phóng viên chụp hình, quay phim, ghi âm?

Với tinh thần khách quan, thiện chí, phóng viên đã nhanh chóng đến địa chỉ cuộc hẹn và có cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp với đại diện của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (Cty Konica Minolta Việt Nam), Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Cty Sao Nam) cùng một số cơ quan báo chí khác cũng có mặt tại đây.

Tại cuộc gặp phóng viên các báo, Luật sư Lê Nết (thuộc Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên) tự giới thiệu mình là đại diện pháp lý cho Konica Minolta Việt Nam đồng thời cho rằng đây là cuộc gặp gỡ để trao đổi thông tin về vụ Konica mà các báo đã phản ánh nhằm làm rõ sự thật khách quan (không phải họp báo như cuộc gọi điện thông báo trước đó của nhân viên văn phòng công ty Luật LNT và Thành viên).

Mở đầu, Luật sư Lê Nết nói rằng: “Tại vì đây không phải là địa điểm công cộng nên không có quay phim, chụp hình, chỉ có ghi chép và tôi sẽ gửi các tài liệu cho các anh chị sau”.

Vấn đề này sau đó đã trở thành tâm điểm bàn luận vì gặp phải sự phản ứng gay gắt của phóng viên các báo.

Phóng viên tờ điện tử Vietnamfdi.vn (Cơ quan của Hiệp hội Đầu tư nước ngoài) đặt vấn đề: Nếu đây là buổi gặp theo lời mời của Luật sư (đại diện pháp lý cho Konica) trong vụ việc báo chí phản ánh để nhằm làm rõ, thì tại sao Luật sư Nết lại không cho phóng viên quay phim, chụp hình, còn phía sau của ông lại đặt máy quay phim để quay lại toàn bộ cuộc họp, như vậy là không khách quan?

Ông Nết khẳng định đây không phải là địa điểm công cộng, nên việc quay phim, chụp hình thì phải có ý kiến của chủ nhà, việc quay phim hay ghi âm cuộc họp thì sau này chúng tôi sẽ gửi lại sau cho các anh chị.

Chúng tôi hỏi vậy trong cuộc gặp hôm nay có phải cấm chụp hình không, ông Luật sư Lê Nết nói đúng! Phóng viên đặt tiếp vấn đề, hôm nay anh mời báo chí đến, vậy phóng viên có quyền hoạt động trong khuôn khổ qui định của luật báo chí không? Ông nết cho rằng vì đây không phải là nơi công cộng và phải có quyền nhân thân với hình ảnh.

Phóng viên hỏi tiếp, vậy luật sư có phải là đại diện pháp lý cho Konica Minolta không? Ông Nết trả lời tôi là người đại diện ủy quyền. Nếu vậy, đây không phải là một vụ việc của cá nhân luật sư mà là vụ việc của doanh nghiệp mà luật sư chỉ là đại diện nên việc quay phim chụp hình khi tác nghiệp là đúng theo qui định Luật Báo chí chứ không thể nào cấm, chắc luật sư không rành về luật báo chí …? Ông Nết nói “vậy các anh chị có cho tôi quay phim không?” các phóng viên trả lời “đây là chuyện bình thường”.

Bức xúc về cách hành xử của vị luật sư, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam lên tiếng: “Nếu quay phim thì phải quay hai chiều chứ, bên anh quay mà cấm báo chí quay phim chụp hình là sao? Một phóng viên khác thắc mắc, tại sao một cuộc họp công khai mà lại cấm quay phim chụp hình, liệu có sự mờ ám nào hay chăng?

Khi câu chuyện cấm phóng viên chụp hình, quay phim, ghi âm đang căng thẳng bởi đụng phải sự phản ứng quá gây gắt của các phóng viên thì ông Nết đã nhanh chóng lãng sang vấn đề khác …, sau đó mới tiếp tục buổi làm việc.

Cung cấp chứng cứ sơ sài

Tại buổi làm việc, đại diện pháp lý của Konica Minolta VN (KMV) ông Lê Nết đã cung cấp các bản photo chào giá của Cty Sao Nam gửi cho Saigonbook ngày 14/10/2014; Hợp đồng mua bán tài sản giữa các bên; Biên bản nghiệm thu giữa Sao Nam và Saigonbook; Bản thông báo ký ngày 31/8/2015 gửi đến Saigonbook và một số báo …

Đặc biệt, ông Nết nêu quan điểm cho rằng tất cả các nội dung mà báo chí phản ánh trước đó nếu không đúng với nội dung ông đưa ra trong bảng thông báo đều là không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm đến uy tín kinh doanh của Konica Minolta và các nhà phân phối?

Cụ thể trong bản thông báo gửi đến Saigonbook và các báo có hai nội dung đáng lưu ý đó là: “KMV không có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với Saigonbook. Vì thế, KMV không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến vấn đề Saigonbook đề cập; KMV nhập khẩu thiết bị, máy móc chất lượng cao vào Việt Nam vào các thời điểm khác nhau với giá cả khác nhau. Có thể  Saigonbook đã mua hai máy từ hai nhà phân phối tại hai thời điểm khác nhau…

Konica Minolta lên tiếng (2)

Konica Minolta lên tiếng (3)
Ông Nết cho rằng tất cả các nội dung mà báo chí phản ánh mà không đúng với nội dung ông đưa ra trong bảng thông báo đều là không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của Konica và các nhà phân phối.

Tuy nhiên, với những gì ông Nết cung cấp đã không đủ bằng chứng để chứng minh và cho rằng các báo, trong đó có báo Congluan.vn viết không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín của Konica Minolta và các nhà phân phối.

Ngoài ra, ông Lê Nết còn nêu vấn đề ông Kim (tức ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Saigonbook – PV) cho rằng có hợp đồng giữa với Konica Minolta (KMV) và Saigonbook, rồi sau khi đưa ra hợp đồng thì Luật sư Lê Nết mới im lặng (đã đăng tải trước đó). Về vấn đề này ông Nết cho là không đúng sự thật và xuyên tạc, bởi thực tế không có hợp đồng đó và ông Kim cũng chưa có đưa gì cho tôi cả, chưa có liên hệ trực tiếp gì cả, vì vậy toàn bộ tình tiết như vậy là xuyên tạc và không đúng sự thật, mang tính chất vu khống.

Tuy nhiên, sau phát ngôn mang tính quy chụp này, đại diện Konica Minolta và Cty Sao Nam đã đưa ra văn bản phản hồi của Saigonbook cho ông Nết. Đến lúc này thì Luật sư Lê Nết mới ngớ người và chăm chú đọc lại từ đầu tới cuối, sau đó còn photo lại để gửi cho các phóng viên.

Đại diện Konica Minolta, Cty Sao Nam thừa nhận thiếu xót …

Cũng tại buổi làm việc với báo chí, hai vấn đề liên quan đến việc cắt bớt thời gian bảo hành và không xuất hóa đơn mà báo Congluan.vn đã phản ánh trước đó, đại diện phía Konica Minolta và Cty Sao Nam đã thừa nhận thiếu xót.

Cụ thể, vì sao Konica Minolta Việt Nam không xuất hóa đơn đối với thiết bị tích điện UPS đã tặng khuyến mại cho Saigonbook, ông Đào Việt Linh phụ trách mảng kinh doanh của Konica Minolta thừa nhận rằng: trong thời điểm đó Konica có nhập về 3 thiết bị tích điện UPS để tặng cho khách hàng nhưng do sơ xuất chưa kịp đăng ký với cơ quan chức năng về sản phẩm khuyến mại nên nếu có bị sai phạm về thuế thì bên Konica chấp nhận chịu phạt hành chính.

Còn phần cắt bớt thời gian bảo hành từ 3 năm xuống còn 1 năm, đại diện Cty Sao Nam cũng thừa nhận là do thiếu sót chứ không phải cố ý. Điều này chúng tôi có thương lượng và điều chỉnh lại thời gian bảo hành cho hợp lý nhưng do bên Saigonbook chưa đồng ý.

Liên quan đến chiếc máy in C1100 có giá chênh lệch tiền tỷ, theo ông Linh, thời điểm năm 2014 là không thể có giá dưới 2 tỷ đồng được, 3 tỷ cũng không có. Bởi năm 2014, Konica nhập máy C1100 về có giá hướng dẫn là 180.000 USD, tương đương 3,7 tỷ đồng. Còn việc nhà phân phối bán bao nhiêu đó là quyền của họ.

Luật sư Lê Nết nói thêm, quan hệ giữa Cty Sao Nam và Konica Minolta không phải là đại lý ủy quyền, mà chỉ quan hệ giữa người bán hàng và nhà phân phối. Đây là quan hệ mua đứt bán đoạn, các nhà phân phối sẽ hoàn toàn quyết định giá bán.

Đại diện Cty Sao Nam cũng phát biểu thêm: thời điểm bán máy C1100 cho Saigonbook là tháng 11/2014, đây là chiếc máy đầu tiên được nhập về Việt Nam. Còn Saigonbook mua máy C1100 từ STS là vào tháng 8/2015. Với hai thời điểm khác nhau như vậy thì sẽ có giá khác nhau thôi. Ngoài ra, chất lượng máy cũng là vấn đề, nó góp phần quan trọng vào giá trị chiếc máy. Máy C1100 Saigonbook mua từ STS là đã qua sử dụng cụ thể là đã đem trưng bày ra hội chợ và chạy thử nên mới có giá trên 1 tỷ đồng, còn Sao Nam bán máy cho Saigonbook là máy mới hoàn toàn nên giá trị sẽ khác.

Khẳng định vấn đề này, ông Linh cho rằng hoàn toàn chính xác, bởi máy đã được sử dụng trưng bày, chạy thử tại hội chợ thì chất lượng sẽ giảm.

Khi phóng viên xoáy sâu vào việc vì sao máy mới nhập về chỉ mang ra trưng bày và chạy thử tại hội chợ thì lại bị giảm chất lượng, vậy nếu giảm chất lượng thì giảm bao nhiêu phần trăm? Tuy nhiên phía đại diện của Konica Minolta và luật sư đã không nói rõ mà chuyển sang vấn đề khác.

Riêng việc phía Saigonbook có đưa ra giám định giá của Công ty Thẩm định giá Sài Gòn cho rằng giá trị máy in C1100 thời điểm năm 2014 có giá thị trường là 1,9 tỷ đồng thì đại diện Konica nói rằng không biết đơn vị này dựa vào cơ sở nào để cho ra giá như vậy?

Còn về phần chiếc máy in C1070P đã được trả lại cho Saigonbook trước đó, ông Linh đại diện Konica cũng khẳng định là không có trục trặc gì về kỹ thuật cả, chỉ do Saigonbook cho rằng máy in này màu sắc có vấn đề nên mới có việc đồng ý trả lại máy C1070P.

Như vậy, qua trao đổi có thể thấy rằng còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ tiếp theo, nhưng trong cuộc gặp gỡ để cung cấp thông tin cho báo chí, phía luật sư đại diện của Konica đã thiếu sự chuẩn bị về các bằng chứng, chứng cứ để cung cấp cho phóng viên.

Vì vậy, khi đến hết giờ chiều phóng viên đã đề xuất ngưng buổi làm việc và đề nghị gửi công văn cung cấp các bằng chứng cụ thể đến cơ quan để có cơ sở phản ánh một cách khách quan.

Để rộng đường dư luận, báo Điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục phản ánh những diễn biến tiếp theo của vụ việc tới bạn đọc.

Chính Kỳ
Nguồn: http://congluan.vn/konica-minolta-len-tieng-sau-vu-lum-xum-nang-khong-gia-ban/

Phơi bày bản thỏa hiệp “bảo mật” bất minh vụ máy in Konica Minolta


(CLO) Khi những cáo buộc liên quan đến việc nâng khống giá bán máy in Konica Minolta tại Việt Nam lần lượt được bóc tách và công khai trước dư luận thì mới đây, một kiểu chiêu trò bất minh khác lâu nay bị cam kết phải “bảo mật” tiếp tục được phơi bày.

Tin liên quan:

Phơi bày bản thỏa hiệp “bất minh” bị … giữ bí mật?

Khi những bằng chứng thể hiện việc Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Cty Sao Nam) nâng khống giá bán máy in C1100 hiệu Konica Minolta lên hàng tỷ đồng được phơi bày trước dư luận thì mới đây, trong quá trình tiếp cận các nguồn tin liên quan, phóng viên lại phát hiện thêm điều bất ngờ khác tiếp tục tố giác cách làm ăn không trong sáng của đại lý Konica Minolta Việt Nam thông qua bản thỏa hiệp “bảo mật” không được tiết lộ.

Đó là trước khi mua máy in C1100, Công ty Phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook) đã từng mua máy in C1070P hiệu Konica Minolta với giá khoảng 1,3 tỷ đồng cũng từ Cty Sao Nam (Cty Sao Nam là đại lý của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam – gọi tắt là Konica Minolta Việt Nam).

Nhưng trớ trêu là chiếc máy in C1070P mới mua đã nhanh chóng bộc lộ sự trục trặc về kỹ thuật dẫn tới việc phải trả lại máy cho Cty Sao Nam (tất nhiên Konica Minolta Việt Nam đã đồng ý nhận lại máy bị lỗi).

Tuy nhiên, việc trả lại máy lại có một điều kiện là phải cam kết “giữ bí mật” không được tiết lộ? Nếu vi phạm điều này mà gây thiệt hại cho Cty Sao Nam thì phải chịu trách nhiệm bồi thường… ?

Trước những dấu hiệu không minh bạch, chúng tôi xin trích đoạn một phần thỏa hiệp “bảo mật” để dư luận thấy rõ chiêu trò của doanh nghiệp này.

IMG_3878

Việc trả lại máy C1070P phải cam kết “giữ bí mật” không được tiết lộ? Nếu vi phạm điều này mà gây thiệt hại cho Cty Sao Nam thì phải chịu trách nhiệm bồi thường… ?

Cụ thể trong “Biên bản hàng bán trả lại” ký ngày 08/8/2015 có đoạn nêu: “Sau khi hai bên ký kết Biên bản thanh lý hợp đồng, Saigonbook phải cam kết sẽ có nghĩa vụ giữ bí mật tất cả thông tin liên quan đến hợp đồng – gọi là nghĩa vụ bảo mật…, nếu vi phạm nghĩa vụ bảo mật mà gây thiệt hại cho Sao Nam thì Saigonbook phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty Sao Nam”

Nghĩa là việc Saigonbook trả lại máy mới mua C1070P hiệu Konica Minolta cho đại lý Sao Nam do bị “lỗi” phải được giữ “bí mật” không được tiết lộ!

Tuy nhiên với điều kiện “bí mật” khác thường này đã vô tình tố giác những kiểu làm ăn không trong sáng của Cty Sao Nam và cả Konica Minolta Việt Nam.

Vì sao phải “bí mật”? Điều kiện để giữ bí mật này có được xem là hợp lý và trong sáng? Có lẽ phải “bảo mật” vì lo sợ thông tin việc trả lại máy mới mua sẽ là tiền lệ xấu cho doanh nghiệp; Sợ thông tin đồn ầm ra bên ngoài sẽ gây sụt giảm uy tín cho Cty Sao Nam lẫn cả thương hiệu máy in Konica Minolta; Sợ những gì bất minh trong giá bán sẽ bị nhiều khách hàng biết đến, hay còn điều gì khác nữa lo sợ nên phải đảm bảo bằng cam kết “bảo mật”?

Hết sức bất thường? Lẽ thường, việc thu hồi, đổi, trả lại máy khi khách hàng có phản ánh, phàn nàn về sản phẩm mới mua là hoạt động bình thường trong kinh doanh, điều này càng thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm và minh bạch của nhà sản xuất đối với khách hàng. Nhưng trong trường hợp này, việc thu hồi máy lại kèm theo đề nghị yêu cầu khách hàng phải cam kết giữ “bí mật” nếu vi phạm… phải chịu trách nhiệm bồi thường…?

Đúng là kiểu làm ăn không lương thiện, thừa mánh khóe và chiêu trò!

Không chỉ dừng lại đó, theo ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Saigonbook cho biết: ngay cả việc bảo hành máy mà Cty Sao Nam cũng gian xảo, dối trá, ăn bớt thời gian bảo hành thì cũng bó tay. Cụ thể chiếc máy C1100, C1070P được nhà sản xuất Konica Minolta qui định bảo hành từ 3 năm đến 5 năm nhưng qua Sao Nam thì chỉ còn bảo hành 1 năm?

Trước hàng loạt chiêu trò của Cty Sao Nam như: nâng khống giá bán máy C1100 trên hai tỷ đồng, ăn bớt thời gian bảo hành, yêu cầu khách hàng phải “bảo mật” không được tiết lộ thông tin việc trả máy bị lỗi nếu không sẽ bị bồi thường thiệt hại…, chỉ bấy nhiêu đó Cty Sao Nam do ông Trần Kim Chung làm giám đốc đã lộ rõ bản chất của kiểu doanh nghiệp làm ăn không trong sáng, lương lẹo, thiếu chuẩn mực đạo đức kinh doanh.

Với kiểu làm ăn như vậy, dư luận thậm chí không còn nghi ngờ gì nữa mà đặt thẳng vấn đề về tập quán kinh doanh của Cty Sao Nam như “ăn xổi ở thì”, kiếm lợi nhuận bất chấp quy tắc đạo đức và chuẩn mực trong kinh doanh, hành xử theo kiểu thỏa hiệp lợi mình hại khách hàng…

Trước đó, theo nguồn tin riêng của PV, ngoài việc bị Saigonbook trả lại máy, chiếc máy in C1070P hiệu Konica Minolta cũng từng bị một khách hàng khác trả lại máy bởi một lý do nào đó…

Không biết, một năm Konica Minolta Việt Nam nhập về mấy chiếc C1070P, nhưng việc bị trả lại hai chiếc thì quả là vấn đề lớn cần hết sức lưu ý về thương hiệu này?

Konica Minolta VN bị “tố cáo”… vì không xuất hóa đơn?

Và đây, thêm một động thái không trong sáng khác được phát lộ khi Saigonbook gửi yêu cầu Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam xuất hóa đơn liên quan đến một sản phẩm được cho là khuyến mại kèm theo khi Saigonbook mua máy C1100.

Trong một công văn được Saigonbook gửi đến cho Konica Minolta Việt Nam (KMV) ngày 15/10/2015 nêu rõ: Saigonbook đã nhận được thiết bị tích điện UPS (trị giá khoảng 7000 USD- PV) ngày 19/03/2015 của KMV theo biên bản nhận hàng số D029 giữa đại diện KMV và Saigonbook nhưng Saigonbook chưa nhận được hóa đơn tài chính theo qui định của pháp luật.

Theo đó, đã nhiều lần Saigonbook yêu cầu KMV xuất hóa đơn để Saigonbook khai báo nộp thuế theo đúng qui định của pháp luật nhưng đến thời điểm hiện tại KMV vẫn không trả lời?

Konica Minolta Việt Nam đã bàn giao sản phẩm khuyến mại thiết bị tích điện UPS (có giá khoản 7000 USD- PV) nhưng vẫn chưa xuát hóa đơn theo qui định?

Trước động thái không minh bạch của KMV, Saigonbook đã chính thức gửi đơn tố cáo đến Cục Thuế TP.HCM về vấn đề trên.

Chưa biết Cục Thuế TP.HCM có kết luận ra sao về vấn đề này, nhưng việc không xuất hóa đơn cho sản phẩm khuyến mại thì KMV đang tự “vạch áo cho người xem lưng”, bởi đây là một trong những việc vi phạm qui định pháp luật trong kinh doanh.

Còn một điều khác cũng cần thiết nêu ra đó là sau khi vụ việc lùm xùm, ông Tadasu Ichino – Tổng giám đốc Konica Minolta Việt Nam (KMV) đã ủy quyền cho Luật sư Lê Nết (thuộc Công ty luật LNT và Thành viên) gửi văn bản đến một số tờ báo chối bỏ trách nhiệm của Konica Minolta Việt Nam về vụ việc trên với lý do: “KMV không có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với Saigonbook”, “Các thời điểm khác nhau nên giá cả khác nhau”; nhưng khi Saigonbook đưa ra các bằng chứng báo giá gian dối và KMV có hợp đồng với Saigonbook theo qui định tại điều 24 Luật Thương Mại thì KMV và Luật sư Lê Nết mới im lặng!

Báo Congluan online sẽ tiếp tục phản ánh tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, … về vụ việc trên trong những bài báo tiếp theo.

Chính Kỳ

Nguồn: http://congluan.vn/phoi-bay-ban-thoa-hiep-bao-mat-bat-minh-vu-may-konica-minolta/

Vụ máy in hiệu Konica Minolta: Bóc trần những dấu hiệu “bất minh” về giá!


(CLO) Liên quan đến vụ máy in C1100 hiệu Konica Minolta có dấu hiệu nâng khống giá bán hơn 2 tỷ đồng tại TP.HCM, mới đây phóng viên đã tiếp cận một số thông tin được cho là hết sức quan trọng thể hiện sự “bất minh” về giá của Công ty Sao Nam và cả KMV.

Bài viết liên quan:

Bảng báo giá “tố giác” chủ nhân!

Trong quá trình tiếp cận các thông tin khách quan liên quan đến vụ máy in C1100 hiệu Konica Minolta có giá chênh lệch tiền tỷ, phóng viên mới biết đến câu chuyện vì quá bức xúc trước việc bị lừa mua giá cao nên “khổ chủ” đã dày công nghiên cứu quyết tìm cho ra được bằng chứng để chứng minh việc nâng khống giá bán là có cơ sở.

Trưng ra hàng loạt bảng báo giá với nhiều loại giá khác nhau, ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Công ty TNHH Phát hành Sách Sài Gòn (Saigonbook) chia sẽ: “phải mất nhiều tháng trời mình mới có được những bảng báo giá được cho là hết sức bình thường như thế này, nhưng trên thực tế nếu chỉ dùng tên một công ty để dò giá thì chắc chắn sẽ không moi ra được bằng chứng khác biệt thể hiện việc chênh lệch giá tiền tỷ này đâu”.

Xem qua một vài bảng báo giá trong cùng một thời điểm do chính Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) và các đại lý ủy quyền báo giá thì phóng viên mới phát hiện sự bất thường về độ chênh lệch giá lên đến tiền tỷ của cùng một sản phẩm.

Cụ thể máy in màu kỹ thuật số Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta tại thời điểm tháng 7/2015 có nhiều giá chênh lệch như: Ngày 20/7/2015 KMV báo giá cho khách hàng là 2,2 tỷ đồng, đến ngày 23/7/2015 KMV báo giá gửi cho Công ty CP Giám định Sài Gòn Control lại tăng lên 3,3 tỷ đồng, tăng hơn 1,1 tỷ đồng.

Ngày 16/7/2015 Công ty TNHH Thương mại Tư vấn Kỹ thuật Sao Nam (Sao Nam) báo giá cho khách hàng là 2 tỷ đồng. Ngày 17/7/2015 Công ty TNHH TMDV Sao Nam An báo giá hơn 3,8 tỷ đồng. Cũng trong ngày 17/7/2015 nhưng với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Sài Gòn (STS) thì báo giá chỉ có 1,8 tỷ đồng, so với Cty Sao Nam An rẻ hơn 2 tỷ đồng. Ngày 20/7/2015 STS báo giá cho Công ty CP In 474 giá chỉ 1,7 tỷ đồng/máy…

Trước đó ngày 14/10/2014, Sao Nam báo giá cho Saigonbook là hơn 3,8 tỷ đồng/máy trong đó giảm giá 20% còn lại gần 3,1 tỷ đồng/máy.

Ngày 17/7/2015, Công ty TNHH TMDV Sao Nam An báo giá máy in Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta với giá hơn 3,8 tỷ đồng

 

Nhưng cũng trong ngày 17/7/2015, Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Sài Gòn (STS) báo giá máy Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta chỉ có 1,8 tỷ đồng

Với những thông tin trên có thể dễ dàng nhận thấy sự không đồng nhất về giá đối với một sản phẩm, hay nói cách khác là có dấu hiệu nâng khống giá bán hòng thu lợi nhuận cao. Điều này không chỉ diễn ra đối với các đại lý ủy quyền của KMV mà ngay cả chính KMV cũng có báo giá chênh lệch 1,1 tỷ đồng trên cùng một sản phẩm chỉ sau 3 ngày là điều hết sức bất thường về chính sách giá của thương hiệu này?

Và như vậy, nếu phải có lời giải thích nào cho việc biện minh về giá chênh nhau tiền tỷ đối với một sản phẩm trong cùng một thời điểm thì câu trả lời đó chỉ càng làm tăng thêm sự nghi ngờ, bởi chính những bảng báo giá đẹp đẽ trên đã phần nào tố giác sự “bất minh” của KMV và một số đại lý ủy quyền trong chính sách giá bán tại thị trường Việt Nam?

Vạch trần… dấu hiệu nâng khống giá bán!

Một bằng chứng sinh động khác nữa cũng góp phần cùng với những bảng báo giá tiếp tục minh chứng cho việc nâng khống giá bán là hoàn toàn có cơ sở đó là “Chứng thư thẩm định giá” do Công ty Thẩm định giá Sài Gòn thiết lập.

Cụ thể, sau khi Saigonbook có được hàng loạt bằng chứng về giá máy in C1100 hiệu Konica Minolta thể hiện rõ việc nâng khống giá bán hàng tỷ đồng. Ngay lập tức Saigonbook đã tiến hành các thủ tục để thẩm định giá nhằm tìm sự thật.

Tại kết quả thẩm định của Công ty Thẩm định giá Sài Gòn ký ngày 06/8/2015 nêu rõ: “Trên cơ sở khảo sát, phân tích các dữ liệu thị trường và áp dụng các phương pháp thẩm định giá tiên tiến, phù hợp với tài sản thẩm định giá tại thời điểm thẩm định có kết quả như sau: Giá trị máy in KTS Bizhub Press C1100 hiệu Konica Minolta thời điểm tháng 07/2014 có giá thị trường là 1,9 tỷ đồng (kết quả thẩm định có độ sai lệch “cộng hoặc trừ” 10% so với giá thị trường).

Chứng thư thẩm định giá đã góp phần bóc trần dấu hiệu nâng khống giá bán

Như vậy, kết quả thẩm định giá được xem là một bằng chứng pháp lý quan trọng chứng minh cho việc nâng khống giá bán là hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đó vào tháng 10/2014 Saigonbook có mua máy in C1100 hiệu Konica Minolta từ Công ty Sao Nam với giá khoản 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi biết mình bị lừa mua giá cao khổ chủ đã quyết đi tìm chân lý bằng cách mua thêm một máy in cùng loại khác nữa với giá chỉ khoản 1,3 tỷ đồng (từ một đại lý khác của KMV) để có được bằng chứng “sống” nhằm vạch trần thủ đoạn nâng khống giá bán của Sao Nam.

Đề nghị mua lại máy với điều kiện “trời ơi”!

Mới đây, sau khi báo chí vào cuộc phản ánh về nghi án nâng khống giá bán máy in C1100 hiệu Konica Minolta thì ngày 07/10/2015, Cty Sao Nam đã gửi đề nghị chính thức tới Saigonbook để mua lại máy in C1100 với giá hơn 3,1 tỷ đồng kèm theo các điều kiện như: Saigonbook phải gửi văn bản xin lỗi đến Sao Nam và KMV về những phát ngôn không đúng sự thật, không đúng luật….; Saigonbook phải gửi văn bản đến các tổ chức, cơ quan truyền thông, khách hàng của KMV… để đính chính lại những thông tin sai sự thật mà Saigonbook đã gửi đi; Saigonbook phải cam kết không thực hiện bất cứ hành động hoặc tuyên bố không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Sao Nam và KMV dưới bất kỳ hình thức nào…

Sao Nam chính thức gửi đề nghị mua lại máy in C1100 hiệu Konica Minolta từ Saigonbook

Không hiểu vì lý do gì mà Sao Nam gửi đề nghị mua lại máy của khách hàng? Liệu có phải Sao Nam sợ thông tin này lùm xùm sẽ gây mất uy tín, hoặc sợ báo chí vào cuộc phanh phui, hay là điều gì khác nữa có thể gây tổn hại đến việc kinh doanh, phát triển thương hiệu Sao Nam và cả KMV? Có lẽ câu trả lời trong câu chuyện này chỉ dành riêng cho Sao Nam!

Chỉ lạ một điều bắt khách hàng đang phẩn nộ, bức súc, thiệt thòi… vì mua hàng chênh lệch giá hơn hai tỷ đồng đi xin lỗi người bán, đính chính thông tin về sự thật trên và cam kết không thực hiện lại những thông tin kiểu gây ảnh hưởng đến uy tín của người bán là điều hết sức lạ đời, mà chắc chỉ riêng Sao Nam mới dám gửi đề nghị này…?

Đến giờ phút này, cả Sao Nam và KMV vẫn chọn phương thức im lặng với báo chí thay vì lên tiếng để bảo vệ hoặc thanh minh cho chính mình?

Báo Congluan online sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến tiếp theo đến bạn đọc.

Chính Kỳ

Nguồn: http://congluan.vn/vu-may-hieu-konica-minolta-boc-tran-nhung-dau-hieu-bat-minh-ve-gia/

Konica Minolta Việt Nam: Cùng một sản phẩm giá chênh nhau 2 tỷ đồng?


(CLO) Mới đây, thông tin máy in màu kỹ thuật số thuộc hãng Konica Minolta bán tại thị trường Việt Nam tuy cùng một sản phẩm nhưng giá chênh lệch hơn hai tỷ đồng đã và đang gây sốc cho những ai biết đến câu chuyện này.

Chiếc máy C1100 hiệu Konica Minolta thuộc Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) đang dính nghi án nâng khống giá bán?

Một sản phẩm, giá chênh lệch 2 tỷ đồng?

Thông tin Công ty TNHH Sách Sài Gòn (Saigonbook) đang trưng bày hai máy in màu kỹ thuật số (KTS) hiệu Konica Minolta tại văn phòng sẽ là điều bình thường nếu không có việc lạ lùng khi hai máy in màu cùng model này có hai loại giá chênh lệch lên đến tiền tỷ?

Có thể bạn quan tâm

Ở thị trường Việt Nam, việc một sản phẩm bán giá chênh nhau vài trăm, vài triệu đồng là người tiêu dùng đã phải so sánh, cân nhắc. Riêng đối với những sản phẩm giá trị cao có giá hàng tỷ đồng một sản phẩm thì việc chênh lệch giá vài chục triệu đồng đã khiến sự cạnh tranh dành khách hàng trở nên khó khăn, đừng nói gì đến việc cùng một sản phẩm mà giá chênh nhau hàng trăm triệu đồng, còn việc chênh đến tiền tỷ là điều không thể tưởng.

Bởi vậy, khi thông tin máy in màu KTS hiệu Konica Minolta có cùng model máy nhưng giá bán chênh nhau hàng tỷ đồng đã ngay lập tức được đồn ầm trong giới in ấn. Điều này cũng khiến không ít khách hàng có nhu cầu in màu thường xuyên không khỏi ngỡ ngàng.

Để tìm hiểu sự bất thường về một sản phẩm nhưng giá chênh nhau tiền tỷ, phóng viên đã trực tiếp đến địa chỉ đang trưng bày hai máy in màu KTS nói trên.

Hai chiếc máy in hiệu Konica Minolta có giá chênh lệch tiền tỷ đang đươc trưng bày ở phòng in Saigonbook
Hai chiếc máy in hiệu Konica Minolta có giá chênh lệch tiền tỷ đang đươc trưng bày ở phòng in Saigonbook

Tại văn phòng Saigonbook ở đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 3, TP. Hồ Chí Minh, thông qua hướng dẫn khá nhiệt tình của nhân viên ở đây, phóng viên không mấy gì khó khăn khi trực tiếp mục sở thị hai chiếc máy in hiệu Konica Minolta đang đươc trưng bày ở phòng in mà Saigonbook đã mua với giá chênh lệch tiền tỷ.

Trên hai chiếc máy cùng model C1100 hiệu Konica Minolta, một bên trưng bày giá đã mua được là trên 3,4 tỷ đồng, máy còn lại giá chỉ gần 1,3 tỷ đồng và độ chênh lệch giữa hai máy khoản 2,1 tỷ đồng. Một con số khủng về độ chênh lệch giá mà khi ai biết đến chắc sẽ không khỏi giật mình bởi câu hỏi vì sao cùng một sản phẩm nhưng có 2 loại giá khác xa nhau đến vậy?

Có dấu hiệu nâng khống, trục lợi từ giá?

Để rõ hơn về sự khác biệt giá này, phóng viên đã liên lạc và có cuộc hẹn với ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Saigonbook.

Chiếc máy C1100 thứ nhất được mua khuyến mại của Công ty TNHH Thương Mại – Tư Vấn – Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) với giá 3.409.111.200 đồng
Chiếc máy C1100 thứ nhất được mua khuyến mại của Công ty TNHH Thương Mại – Tư Vấn – Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) với giá 3.409.111.200 đồng

Trao đổi về những sự thắc mắc của phóng viên, ông Kim đã không ngần ngại chia sẽ về những bức xúc của mình: Chiếc máy C1100 thứ nhất tôi mua khuyến mại của Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) với giá 3.409.111.200 đồng (Sao Nam là đại lý thương mại của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam).

Dĩ nhiên, với giá thành mua cao như vậy nên doanh nghiệp bắt buộc phải nâng giá tiền trang in lên cao. Tuy nhiên, khách hàng của tôi đã cho biết là mình nâng giá tiền trang in như vậy là quá cao và việc mua máy C1100 giá trên 3 tỷ là quá đắt so với thị trường.

Từ đó, qua tìm hiểu thêm thì mới biết là mình bị lừa mua giá cao. Quá bức xúc tôi mới dùng doanh nghiệp thứ hai của mình để mua thêm một máy in nữa để so sánh, cũng cùng loại C1100 hiệu Konica Minolta từ Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn (STS) (là đại lý thương mại của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV)) nhưng chỉ với giá 1.289.278.000 đồng. Như vậy, Sao Nam bán giá chênh lệch khoản 2,1 tỷ đồng.

Chiếc máy C1100 thứ hai mua khuyến mại của Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn (STS) với giá 1.289.278.000 đồng.
Chiếc máy C1100 thứ hai mua khuyến mại của Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn (STS) với giá 1.289.278.000 đồng.

Sau khi có hai máy cùng model, cùng hãng, tôi đã đem trưng bày tại văn phòng Saigonbook để mọi người cùng biết về sự việc này, biết được sự nâng khống giá, khuyến mại gian dối để lừa người tiêu dùng.

Có một điều phải nói thêm là cả hai chiếc máy cùng model C1100 này đều được lắp đặt năm 2015 từ một nhà cung cấp là Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV).

Ngoài tôi là nạn nhân, tôi cũng biết còn có nhiều nạn nhân khác khác nữa. Chúng tôi đấu tranh buộc Sao Nam và KMV phải trả lại các khoản tiền do họ lừa đảo chiếm đoạt của chúng tôi.

Cũng theo ông Kim, hiện tại mặc dù Sao Nam và KMV đã đề nghị tôi ký hợp đồng bán lại cho họ với số tiền như đã mua nhưng tôi từ chối ký hợp đồng mua bán vì chúng tôi trả máy chứ không bán máy.

Sao Nam và KMV cùng nhau im lặng?

Trước sự việc có dấu hiệu nâng khống, trục lợi từ giá, phóng viên đã liên lạc với Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) (đơn vị nhập khẩu, phân phối, bán hàng và dịch vụ cho các sản phẩm của Konica Minolta tại Việt Nam) để làm rõ vấn đề về giá chênh lệch tiền tỷ từ sản phẩm của hãng Konica Minolta. Tuy nhiên, phóng viên được hướng dẫn sang làm việc với luật sư Lê Nết hoặc luật sư Điệp (thuộc Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên), bởi KMV đã giao cho luật sư trực tiếp trả lời các vấn đề liên quan đến pháp lý của KMV.

Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc với Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên để đăng ký làm việc với hai vị luật sư này về thông tin của KMV, thì cũng chỉ nhận được câu trả lời là họ bận đi công tác, ngay cả việc PV để lại thông tin số điện loại liên lạc nhưng sau nhiều ngày vẫn không thấy thiện chí hồi âm từ các vị luật sư này?

Riêng trường hợp của Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) câu chuyện ủy quyền cho luật sư trả lời với báo chí cũng không ngoại lệ. Khi liên lạc với Sao Nam, PV được hướng dẫn để làm việc với luật sư Bùi Quang Nghiêm, vì đơn vị này cũng đã ủy quyền cho luật sư Nghiêm trả lời về vấn đề này. Ngay sau khi có thông tin số điện thoại của LS Nghiêm, PV đã nhiều lần gọi điện để đặc lịch hẹn làm việc nhưng vị này cũng không nghe máy?

Như vậy, hiện tại không một vị LS nào của cả hai doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến vụ việc sau khi được ủy quyền trả lời về sự việc trên có thiện chí làm việc với phóng viên để cung cấp cũng như lên tiếng bảo vệ thân chủ của mình? Nói cách khác, có lẽ cả Sao Nam và KMV cùng chọn phương thức là im lặng thay vì thanh minh.

Lâu nay, hiện tượng gian lận thương mại, nâng khống giá, khuyến mại gian dối để lừa người tiêu dùng xảy ra khá thường xuyên, nhưng với thương hiệu như Konica Minolta, một thương hiệu nổi tiếng đến từ Nhật vốn rất uy tín với người tiêu dùng để xảy ra vấn đề này mà không có câu trả lời thỏa đáng chắc chắn sẽ để lại một vệt đen cho thương hiệu vốn nổi tiếng bấy lâu.

Báo Congluan online sẽ tiếp tục phản ánh thông tin cụ thể đến bạn đọc ở bài tiếp theo.

Chính Kỳ

Nguồn: http://congluan.vn/konica-minolta-viet-nam-cung-mot-san-pham-gia-chenh-nhau-2-ty-dong/

Nhận diện Konica Minolta


Khi chuyển từ “chuyên nghiệp bán sách và chỉ có bán sách sang in kỹ thuật số “, Saigonbook chọn mua máy của Konica Minolta với niềm tin rằng máy mới của hãng lớn thì sẽ  được đảm bảo chất lượng và giá cả.

Có thể bạn quan tâm “Konica Minolta – Cọi mặt đặt giá

Ngày 15/08/2014, Saigonbook ký hợp đồng mua máy C1070P của Konica Minolta qua đại lý Sao Nam với giá 1,32 tỉ đồng. Trong lúc máy C1070P đang chạy thử thì KMV và Sao Nam giới thiệu với Saigonbook mô hình Printing Shop đang thịnh hành ở châu Âu và Bắc Mỹ.

KMV thiết kế Printing Shop cho Saigonbook

KMV thiết kế Printing Shop cho Saigonbook

Với vị trí đắc địa của Trung Tâm Sách Sài Gòn, Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) và Sao Nam hứa sẽ giúp đỡ, tài trợ để Saigonbook xây dựng một Printing Shop đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 20/10/2014, Saigonbook đã ký với Sao Nam mua máy C1100 trong điều kiện được khuyến mại giảm giá đặc biệt 20%. Theo tư vấn thiết kế của KMV, Saigonbook đã sửa chữa Trung Tâm Sách Sài Gòn thành Printing Shop mang màu xanh đặc trưng của Konica Minolta. KMV đã gắn bảng hiệu “Printing Shop – Konica Minolta” tại trụ sở Saigonbook và hứa bán mực, vật tư, dịch vụ với giá ưu đãi. Ngoài ra, KMV còn khuyến mại cho Saigonbook bộ tích điện UPS trị giá đến gần 7.000 USD.

Tuy nhiên, khi đưa máy vào hoạt động, Saigonbook nhận ra giá trang in của mình quá cao so với thị trường. Tìm hiểu, Saigonbook mới biết mình bị lừa ngay từ chiếc máy đầu tiên.

Sao Nam bán máy C1070P với giá 1,32 tỉ nhưng Công ty Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn báo giá 760 triệu;  Sao Nam bán máy C1100 hơn 3,4 tỉ thì STS bán chưa đến 1,3 tỉ. Tổng giá trị hai máy chênh lệch đến 2,66 tỉ đồng.

Để chứng minh sự không lương thiện của KMV và Sao Nam,  Saigonbook đã cử người đóng các vai khác nhau mới lấy được bí mật báo giá bất lương của họ – cùng thời điểm, cùng máy C1100 nhưng KMV báo giá 3,3 tỉ và 2,2 tỉ; Sao Nam báo giá 3,8 tỉ và 2 tỉ; STS báo giá 1,7 tỉ, 1,8 tỉ và 1,9 tỉ, Sao Nam An báo giá 3,8 tỉ.

Không chỉ lừa về giá, KMV và Sao Nam còn lừa về bảo hành. Máy C1100, C1070P được nhà sản xuất Konica Minolta qui định bảo hành từ 3 năm đến 5 năm nhưng Sao Nam chỉ bảo hành 1 năm.

Sau khi thu thập đủ chứng cứ, Saigonbook yêu cầu Sao Nam và KMV thu hồi máy và trả lại tiền. Ngày 6/8/2015, đại diện Sao Nam cùng với Luật sư Bùi Quang Nghiêm đã đến trụ sở Saigonbook thỏa thuận nhận lại cả hai máy và trả lại tiền đầy đủ cho Saigonbook. Ngày 14/08/2015, Sao Nam và KMV đã thu hồi máy C1070P, trả lại đủ 1,32 tỉ đồng. Ngày 18/08/2015, Sao Nam đề nghị làm thủ tục thu hồi máy C1100 bằng hợp đồng mua bán nhưng Saigonbook từ chối ký bán vì “trả máy chứ không bán máy”.

Điều đáng hổ thẹn là sau khi việc mua lại máy bị bế tắc, ông Tadasu Ichino – Tổng giám đốc KMV đã ủy quyền cho Luật sư Lê Nết gửi văn bản đến các Báo Thanh niên, Báo Tuổi Trẻ, Báo Doanh Nhân Sài Gòn chối bỏ trách nhiệm với lý do: “KMV không có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với Saigonbook”, “Các thời điểm khác nhau và với giá cả khác nhau”; nhưng khi Saigonbook đưa ra bằng chứng báo giá gian dối và KMV có hợp đồng với Saigonbook theo qui định tại điều 24 Luật Thương Mại thì KMV và Luật sư Lê Nết mới im lặng!

Để nhận diện KMV và Sao Nam, Saigonbook đã phải tìm hiểu, thu thập chứng cứ, xâu chuỗi các lời nói, hành vi, văn bản của họ, so sánh đối chiếu với các đối tác khác, đặt chúng trong mối liên hệ nhân quả, từ đó mới giải thích được nguyên nhân chênh lệch giá và thời  gian bảo hành là do họ không lương thiện.

KMV và Sao Nam, kẻ tung người hứng, đưa giá lên cao, khuyến mại giảm giá, tặng UPS, song thực chất là phỉnh lừa. Người lương thiện không thể  “ăn” 2,66 tỉ đồng trong một thương vụ như thế  và “ăn” bảo hành 3 năm còn 1 năm với nhiều thương vụ khác. KMV, Sao Nam và Luật sư của họ phải nín lặng vì “ăn” như thế là tội ác không thể biện minh.

Lương Vĩnh Kim

Nguồn: http://baophapluat.vn/hang-that-hang-gia/nhan-dien-konica-minolta-234660.html

KONICA MINOLTA coi mặt… “đặt” giá


(PLO) – Tại Trung tâm in nhanh 474 Nguyễn Thị Minh Khai quận 3, TP Hồ Chí Minh của Cty TNHH Sách Sài Gòn (Saigonbook) có đặt hai máy in màu kỹ thuật số C1100 của hãng Konica Minolta với độ chênh lệch giá hơn 2,1 tỉ – một con số gây bàng hoàng cho bất cứ ai biết đến câu chuyện này.

Chiếc máy C1100 thứ nhất mua khuyến mại của Công ty TNHH Thương Mại – Tư Vấn – Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) với giá 3.409.111.200 đồng; chiếc máy C1100 thứ hai mua khuyến mại của Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn (STS) với giá 1.289.278.000 đồng. Điều đặc biệt là cả hai chiếc máy cùng model C1100 này đều từ một nhà cung cấp là Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV) – Sao Nam và STS chỉ là hai đại lý thương mại của KMV.

saonam03
Chiếc máy C1100 thứ nhất mua khuyến mại của Công ty TNHH Thương Mại – Tư Vấn – Kỹ Thuật Sao Nam (Sao Nam) với giá 3.409.111.200 đồng
sts03
Chiếc máy C1100 thứ hai mua khuyến mại của Công ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Sài Gòn (STS) với giá 1.289.278.000 đồng.

Để “lừa” lấy được khoản tiền lớn như thế, tất nhiên KMV phải có thủ đoạn tinh vi, được xây dựng công phu thành chính sách giá, chính sách bán hàng tại thị trường đặc thù như Việt Nam.

Đầu tiên, KMV không công khai giá. Trên website konicaminolta.com.vn chỉ giới thiệu các sản phẩm nhãn hiệu Konica Minolta chứ không niêm yết giá. KMV là doanh nghiệp Việt Nam với 100% vốn nước ngoài. Họ được quyền giao dịch bán hàng trực tiếp tại thị trường Việt Nam nhưng ít khi họ bán hàng trực tiếp mà tổ chức ra các đại lý thương mại, những cộng tác viên rồi chỉ đạo nhân viên bán hàng theo chính sách bí mật giá, coi mặt đặt giá.

Những nhân viên, những đại lý của họ sẽ tìm kiếm những “con mồi” là khách hàng mục tiêu để chiêu dụ mua hàng. Khi khách hàng yêu cầu báo giá, KMV, các đại lý thương mại và nhân viên sẽ tìm hiểu kỹ khách hàng rồi mới báo giá. Các phiếu báo giá của họ tại cùng thời điểm, cùng người báo, có thể chênh nhau đến vài tỉ đồng. Để hợp pháp hóa số tiền chênh lệch lớn không vênh trên sổ sách, chứng từ nhập khẩu và khai thuế, KMV đẩy các thương vụ bán hàng qua các đại lý thương mại bằng thủ đoạn báo giá.

KMV là bên giao đại lý nhưng sẽ báo giá cao hơn bên nhận đại lý, nhằm buộc “con mồi” phải mua hàng qua đại lý. Khi có tranh chấp xảy ra, trách nhiệm thuộc về đại lý, KMV đứng ngoài cuộc. Nếu khách hàng là người có kinh nghiệm, có khả năng điều tra giá thì họ phối hợp báo giá theo kế hoạch giữa KVM và các đại lý. Nếu khách hàng không có kinh nghiệm, hoặc khách hàng đòi hoa hồng thì KMV giao hoàn toàn cho đại lý báo giá, bán hàng và chịu trách nhiệm.

Chính sách bí mật giá đáp ứng được nhu cầu chung chi hoa hồng của thị trường đa thành phần kinh tế. Việc hạch toán các khoản hoa hồng, chia chác là khó khăn và rất rủi ro đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; vì vậy, KMV đã đẩy trách nhiệm này cho đại lý thương mại.

So sánh 8 bản báo giá máy C1100 của KMV và các đại lý thương mại Sao Nam, STS, Sao Nam An, nhiều người bàng hoàng với các mức giá khác nhau như sau: KMV báo giá 3,3 tỉ và 2,2 tỉ; Sao Nam báo giá 3,8 tỉ và 2 tỉ; STS báo giá 1,7 tỉ, 1,8 tỉ và 1,9 tỉ, Sao Nam An báo giá 3,8 tỉ. Không công khai giá, không niêm yết giá, báo giá loạn xạ lừa dối khách hàng, KMV và các đại lý của họ đã vi phạm vào điều 6, điều 12 Luật Giá.

Máy C1100 là máy in công nghiệp, thường được doanh nghiệp dùng để in gia công kiếm lời. Doanh nghiệp bị lừa mua máy giá cao, phải đẩy giá sản phẩm trang in cao, không được thị trường chấp nhận. Lỗ và phá sản chỉ là vấn đề thời gian, nhất là những doanh nghiệp nhỏ. Đã có và sẽ còn nhiều nạn nhân nếm quả đắng như Saigonbook. KMV là chi nhánh kinh doanh của Công ty Konica Minolta Business Solutions Asia – Singapore, hoạt động dưới sự điều hành của tập đoàn Konica Minolta Inc Nhật Bản.

Họ có kinh nghiệm thương trường, có luật sư tư vấn giúp họ né tránh trách nhiệm trước luật pháp. Bất luận trong trường hợp nào thì người Việt Nam cũng phải gánh chịu hậu quả tiền mất, nợ mang. Nếu có “mệnh hệ” gì thì người Việt Nam cứ cay đắng tranh chấp hợp đồng thương mại, còn KMV và “công ty mẹ” thì chuyển tiền về nước và trả lời: KMV không có bất cứ hợp đồng nào bị kiện!.

Tuy nhiên, trong thương mại, nguyên tắc thiện chí, trung thực được coi trọng và đã được qui định tại điều 6 Bộ Luật Dân Sự Việt Nam. KMV là bên giao đại lý, có quyền và nghĩa vụ theo qui định tại điều 172 và 173 Luật Thương Mại. Do đó, KMV có trách nhiệm trả lời trước báo chí và công luận về sự chênh lệch giá giữa các bản báo giá do chính họ và các đại lý của họ đưa ra.

Công luận đang chờ KMV thực hiện trách nhiệm đó của mình.

PLVN tiếp tục cập nhật thông tin.

Luật sư Lương Vĩnh Kim

Nguồn: http://baophapluat.vn/khieu-nai-online/konica-minolta-coi-mat-dat-gia-229519.html

Từ khóa tìm kiếm: konica monitla, saigon book, bảo vệ người tiêu dùng, tranh chấp mua hàng, lừa dối người tiêu dùng, KONICA MINOLTA coi mặt đặt giá, thương mại, niêm yết